• Hotline:0975 580 386
    Hotline kỹ thuật:
  • Địa chỉ:115-117 Đào Duy Anh - Phường 9 - Phú Nhuận - Hồ Chí Minh
  • EnglishVietnamese
Rate this post

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tiêm vắc xin sớm, an toàn cho học sinh 12-17 tuổi

GD&TĐ – Chiều 12/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với một số bộ ngành về tình hình thực hiện kế hoạch năm học 2021 – 2022.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc.

Dự buổi làm việc, về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ.

Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa; Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Đắc Hưng…

Chủ động, linh hoạt các giải pháp tổ chức dạy học

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện những giải pháp ứng phó với dịch Covid-19, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, địa phương đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022; chủ động xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong trường hợp học sinh chưa được đến trường hoặc học sinh đang học mà phải tạm dừng đến trường.

Tính đến ngày 12/10, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã tổ chức triển khai khá tốt, linh hoạt trong dạy học. Trong đó các địa phương thuộc vùng xanh tổ chức dạy học theo hình thức dạy học trực tiếp; các địa phương thuộc vùng cam và vùng đỏ chủ động tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình.

Các tỉnh đang thuộc vùng xanh đã chủ động tổ chức dạy học nhiều hơn 6 buổi/tuần, tranh thủ thời gian vàng khi đã kiểm soát được dịch để tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường.

Tại tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, các cơ sở giáo dục đã triển khai chuyển sách giáo khoa trực tiếp đến từng học sinh thông qua tổ dân phố, hội phụ huynh; các nhà xuất bản đã cung cấp sách giáo khoa bản điện tử, gửi qua mạng đến các nhà trường để kịp thời chuyển đến cho học sinh. Đến nay, cơ bản học sinh đã có sách giáo khoa để học tập. 

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh sớm ổn định và tiếp tục học tập tại địa phương nơi cư trú, Bộ GD&ĐT đã 2 lần gửi văn bản tới các sở GD&ĐT về việc tiếp nhận và tạo điều kiện học tập cho học sinh di chuyển về cư trú tại địa phương. Các địa phương đều tạo điều kiện thuận lợi tiếp nhận học sinh ở các tỉnh khác đang tạm trú trên địa bàn do thực hiện giãn cách không kịp về nơi cư trú hoặc học sinh di chuyển về nơi cư trú tại địa phương sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Giải pháp giúp học sinh bù đắp kiến thức

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: Năm học 2020-2021, dù trong điều kiện dịch bệnh nhưng ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học; kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Trong khó khăn đã xuất hiện nhiều cách làm mới đáng khích lệ; tinh thần tự học của học sinh, đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên được thúc đẩy thêm một bước…

Năm học 2021-2022, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Cho đến thời điểm này, nhiều tỉnh thành vẫn chưa thể cho học sinh học trực tiếp. Việc dạy học trực tuyến, học qua truyền hình đáp ứng một phần nhu cầu của học sinh, phụ huynh cũng có đánh giá tích cực nhất định; nhưng dù sao đây cũng chỉ là hình thức bổ trợ và điều kiện học trực tuyến không phải lúc nào cũng đồng đều.

Chia sẻ điều này, Phó Thủ tướng yêu cầu phải có kế hoạch, giải pháp rất chủ động để hoàn thành kế hoạch năm học; cùng với đó là chủ động bù đắp kiến thức cho học sinh bằng các hình thức phù hợp, trong ngắn hạn cũng như trong một vài năm tới.

Trao đổi về giải pháp bù đắp kiến thức cho học sinh khi quay trở lại trường học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Giải pháp đầu tiên được Bộ tính đến là chỉ đạo các địa phương linh hoạt trong việc kết thúc năm học, trong đó chấp nhận việc phải kéo dài thời gian để bù đắp kiến thức cho học sinh. Việc này sẽ tùy thuộc vào tình hình từng địa phương để có xử lý cho phù hợp.

Thứ hai, theo Bộ trưởng, khi học sinh quay trở lại học trực tiếp thì việc học trực tuyến, qua truyền hình vẫn sẽ tiếp tục là công cụ duy trì trong việc bù đắp, củng cố kiến thức cho học sinh. Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các bài giảng qua truyền hình cho nhiều khối lớp, đặc biệt là lớp 1, lớp 2. Hệ thống bài giảng này sẽ là nguồn học liệu mở được sử dụng để hỗ trợ, bổ sung kiến thức cho học sinh khi các em quay trở lại trường học trực tiếp.

Bên cạnh việc ban hành chương trình dạy học cốt lõi để sử dụng trong cả điều kiện học sinh học trực tuyến và khi đã trở lại trường học, một giải pháp khác cũng được Bộ trưởng nhắc tới, là thời gian qua, nhiều hoạt động đã được thực hiện nhằm hướng dẫn cho học sinh năng lực tự học. Đây vừa là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, vừa là để thay đổi phương pháp dạy và học, nâng cao khả năng tự học, nghiên cứu tài liệu của học sinh.

“Bộ GD&ĐT sẽ có những điều chỉnh trong kiểm tra, đánh giá theo hướng phù hợp với tinh thần cốt lõi và khuyến khích tinh thần tự học của học sinh”, Bộ trưởng chia sẻ, đồng thời cho rằng: Trong việc củng cố kiến thức cho học sinh, vai trò của phụ huynh, gia đình, người thân, xã hội, các tổ chức hỗ trợ … rất quan trọng. Vì vậy, để thực hiện được cần phải tính đến các giải pháp tổng hợp.

Bộ trưởng cũng cho biết, củng cố kiến thức cho học sinh không chỉ được ngành Giáo dục thực hiện trong năm học 2021-2022 mà sẽ còn được tiếp tục ở những năm tiếp theo.

Để hỗ trợ giáo viên thực hiện nhiệm vụ này, Bộ GD&ĐT sẽ biên soạn các tài liệu nhằm lưu ý về một số kỹ năng cho giáo viên khi dạy củng cố kiến thức cho học sinh.

Mặc dù đưa ra hàng loạt giải pháp, song Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng thừa nhận, đây là thách thức với Giáo dục và toàn ngành sẽ cố gắng để vượt qua khó khăn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với một số bộ, ngành về tình hình thực hiện kế hoạch năm học 2021 – 2022.

Phó Thủ tướng thống nhất với phương án của Bộ GD&ĐT là kế hoạch năm học 2021-2022 sẽ kết thúc linh hoạt, tùy vào tình hình của địa phương, không chỉ cấp tỉnh mà còn sâu hơn xuống cấp huyện, cấp xã. Việc thi cử, đánh giá kết quả học tập định kì, cuối năm cũng sẽ được thực hiện rất linh hoạt.

Nhấn mạnh việc sẵn sàng các khâu chuẩn bị để trong tình hình nào cũng hoàn thành được năm học và có các hoạt động bổ sung kiến thức cho học sinh trong thời gian tiếp theo, Phó Thủ tướng đồng thời đề nghị ngành Giáo dục đã sát sao rồi, làm tốt rồi, cần tiếp tục sát sao và làm tốt hơn nữa. Trong đó, tiếp tục triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông với lớp 1, lớp 2, lớp 6 có hiệu quả; đồng thời chuẩn bị để triển khai các năm tiếp theo theo hình thức cuốn chiếu.

Việc thực hiện từ thẩm định, phê duyệt, lựa chọn sách giáo khoa, sau đó lên nhu cầu rất cụ thể của từng bộ sách và ứng dụng đặt hàng thương mại điện tử, đưa sách đến tận tay học sinh, theo Phó Thủ tướng, đã làm tương đối tốt, giúp gỡ được tình trạng bấy lâu nay chúng ta vẫn lo là sách giả. Nhấn mạnh cần tiếp tục cách làm này, Phó Thủ tướng đồng thời đề nghị Bộ GD&ĐT có chương trình, kế hoạch tiếp tục trang bị các dụng cụ học tập trong các nhà trường, tinh thần là ứng dụng mạnh công nghệ thông tin.

Nhiều địa phương đã huy động cơ sở vật chất trường học để phục vụ phòng chống dịch, thậm chí huy động cả đội ngũ giáo viên để tham gia công tác phòng chống dịch… Phó thủ tướng đề nghị các tỉnh/thành căn cứ tình hình dịch bệnh, nơi nào không nhất thiết phải sử dụng các cơ sở giáo dục thì sớm tu sửa. Khi tu sửa lưu ý củng cố thêm một bước hạ tầng thông tin phục vụ học tập; làm sao khi dịch qua đi, học sinh có môi trường học khang trang, sạch sẽ, đáp ứng được yêu cầu học tập, trong đó có cả học trực tuyến.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng lưu ý đến các nhiệm vụ dài hạn. Theo đó, yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát các chương trình về củng cố trường lớp học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; trường lớp học gắn cả với sóng và Internet… Đồng thời, bám sát các nội dung Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo; chuẩn bị sơ kết đánh giá từng nội dung; có kiến nghị nếu có nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc.

Tiêm vắc xin cho trẻ 12-17 tuổi, chuẩn bị hệ thống giám sát y tế học đường

Để bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Bộ Y tế đã chuẩn bị đủ nguồn vắc xin và lựa chọn được loại vắc xin phù hợp để sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Theo rà soát của Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 8 triệu học sinh từ 12-17 tuổi, với số lượng vắc xin cần để tiêm hai mũi là khoảng 16 triệu liều.

Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi cho trên 95% học sinh thuộc đối tượng này.

Đối với trẻ em từ 3-11 tuổi (khoảng trên 14 triệu), Bộ Y tế đang tiếp cận nguồn vắc xin phù hợp, đồng thời tham khảo kinh nghiệm thế giới và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước để khi đảm bảo điều kiện sẽ sẵn sàng tiêm cho trẻ em lứa tuổi này.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo sở GD&ĐT chủ trì cùng Sở Y tế rà soát lại các văn bản hướng dẫn về đảm bảo an toàn trường học đã được Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT ban hành, qua đó đánh giá, củng cố và hoàn thiện công tác phòng chống dịch tại cơ sở giáo dục, sẵn sàng mở lại trường học đón học sinh đến trường.

Liên quan đến nội dung này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc Bộ GD&ĐT rà soát kĩ lại lần nữa các quy định bảo đảm an toàn học đường. Phải tổ chức tiêm vắc xin sớm và thật an toàn cho học sinh trong độ tuổi theo quy định của Bộ Y tế. Cụ thể, Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện đăng ký tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi. “Tổ chức đăng kí ngay tiêm vắc xin từ bây giờ để sẵn sàng khi có vắc xin sẽ tổ chức tiêm nhanh và an toàn nhất cho các cháu” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong điều kiện bình thường mới, học sinh, nhất là những em chưa được tiêm vắc xin, cần có biện pháp bảo vệ. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT rà soát lại, chuẩn bị hệ thống giám sát y tế học đường, làm sao để học sinh đều có đầu mối cụ thể để theo dõi sức khỏe. Tinh thần là đến trường phải an toàn. Cùng với đó, Phó Thủ tướng đồng thời lưu ý việc chăm sóc, giáo dục học sinh toàn diện; đặc biệt là vấn đề tâm lý học đường.

Nguồn : Báo giáo dục và thời đại

Danh mục sản phẩm

Hỗ trợ trực tuyến toàn quốc

TP.HCM

0975 580 386

HÀ NỘI

0396.323.531

ĐÀ NẴNG

0975 58 0386

Video

Top 5 máy chiếu Vivitek xem Euro 2024

EURO 2024 là bữa tiệc bóng đá được mong đợi nhất ở mùa hè này, với các trận ...

Công ty AIKYO tặng màn hình cho Trường phổ...

Công ty AIKYO tặng màn hình cho Trường phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP Hồ Chí Minh ...

AIKYO VIệt Nam thăm, tặng quà tại tỉnh Điện...

AIKYO VIệt Nam thăm, tặng quà tại tỉnh Điện Biên Nhân dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn năm ...

LTG trình bày tham luận Chuyển đổi số tại...

LTG trình bày tham luận Chuyển đổi số tại Trường ĐH An ninh Nhân dân Sáng 18-1-2024, tại ...

0975 580 386