• Hotline:0975 580 386
    Hotline kỹ thuật:
  • Địa chỉ:115-117 Đào Duy Anh - Phường 9 - Phú Nhuận - Hồ Chí Minh
  • EnglishVietnamese
Rate this post

Lớp học online an toàn và hiệu quả: Từ phương pháp, kỹ năng đến nền tảng công nghệ

GD&TĐ – Năm học mới, học sinh nhiều nơi thay vì học trực tiếp phải chuyển sang học online để phòng chống dịch.

Học sinh tự học theo hướng dẫn trên Internet.

Bối cảnh mới buộc thầy, trò cùng thay đổi và tương thích. Tuy nhiên, làm sao để việc học online an toàn và hiệu quả là băn khoăn của nhiều phụ huynh. TS Nguyễn Tấn Đại – Nghiên cứu viên liên kết Phòng thí nghiệm liên đại học về khoa học giáo dục và truyền thông, ĐH Strasbourg (Pháp) khuyến nghị một số giải pháp khi triển khai hình thức dạy học này.

Cần tư duy, kỹ năng số trong quản lý lớp học

– Ông đánh giá thế nào về sự chuyển đổi phương thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến hiện nay của các trường?

– Tôi nhận thấy sự chuyển đổi hiện nay ở nhiều nơi vẫn khá máy móc. Các lớp học trực tuyến gần như không thay đổi gì đáng kể so với lớp học truyền thống từ nội dung, phương pháp đến các quy tắc quản lý. Đây là điều cần thay đổi nếu ngành Giáo dục kỳ vọng đạt được hiệu quả ngang bằng, thậm chí cao hơn với phương thức dạy trực tiếp.

Thực tế, khi môi trường dạy học thay đổi cần phải chuyển đổi phương pháp cho phù hợp để bảo đảm khả năng đạt được mục tiêu. Sự thay đổi hiện nay ở các lớp học trực tuyến nếu có cũng chỉ là rất nhỏ, mang tính ứng phó hình thức bằng các công cụ phụ trợ hoạt náo trong một không gian ảo.

Nhìn nhận ở góc độ rộng, sự khác biệt giữa hai môi trường trực tiếp và trực tuyến là vô cùng lớn. Những thay đổi nhỏ nhặt đó sẽ không đủ để khắc phục trở ngại phức tạp nảy sinh trong quá trình chuyển đổi như không gian, thời gian, công nghệ, tâm lý, kinh tế – xã hội. Nếu muốn dạy học trực tuyến hiệu quả, cả nhà quản lý lẫn giáo viên và người học cần phải chuyển đổi những gì cần thiết trong phạm vi công việc của mình để khắc phục tối đa đồng thời các rào cản trên.

– Theo ông, việc chuyển đổi bài giảng từ trực tiếp sang online cần thực hiện ra sao cho phù hợp, nhất là với học sinh lớp 1?

– Sự khác biệt cơ bản giữa dạy học truyền thống và dạy học trực tuyến là phương tiện và cách thức giao tiếp. Và mỗi phương tiện giao tiếp phục vụ một hoạt động cụ thể, có thể có hiệu quả cao hay thấp với cách thức giao tiếp trực tiếp hay từ xa, đồng bộ hay không đồng bộ. Do đó, về mặt phương pháp, cần phải đặt câu hỏi: Hoạt động dạy học nào phù hợp với phương tiện và cách thức giao tiếp nào?

Với học sinh lứa tuổi nhỏ, tuy có nhiều hạn chế nhưng vẫn có thể có nhiều hoạt động trực tuyến phù hợp. Trẻ em ngay cả tuổi mầm non vẫn dễ dàng say mê với các đoạn phim ngắn vui vẻ, hài hước, có tính giáo dục cao. Khi giáo viên họp đồng bộ nhưng không phải để giảng bài mà để đối thoại, vui đùa, hướng dẫn trực tiếp các kỹ năng khác nhau thì học trò vẫn yêu thích. Điều quan trọng nhất là họ phải thay đổi tư duy và được phép tuỳ biến, sáng tạo, linh hoạt chứ không bị đóng khung bó buộc theo một khuôn khổ cứng nhắc.

TS Nguyễn Tấn Đại trong một lần ra nước ngoài nghiên cứu.

Bịt lỗ hổng về mất an ninh, an toàn

– Có một thực tế từng xảy ra tại lớp học online là đối tượng lạ xâm nhập phòng học và đưa các clip nhạy cảm lên. Theo ông, để hạn chế lỗ hổng về công nghệ, cũng như bảo vệ học sinh, giáo viên và nhà trường cần làm gì?

– Một trường học vật lý được xây dựng với tất cả quy định về an toàn công trình, với đầy đủ lực lượng bảo vệ, nội quy trường lớp cũng như văn hóa học đường tích luỹ từ bao nhiêu thế hệ mà đôi khi vẫn có sự cố về an ninh.

Ở đây, cả nước đồng loạt biến thành trường học ảo, lớp học ảo với vài công cụ chung phổ biến, trong khi tất cả điều kiện cần thiết khác về an ninh mạng, an toàn máy tính, về quy tắc quản lý, về thói quen làm việc… đều khiếm khuyết, những sự cố như trên là khó tránh khỏi.

Một điểm khác đáng quan tâm là các hệ thống công nghệ lớn trên thế giới hầu như đều do các nước Âu – Mỹ phát triển. Luật pháp của các quốc gia khởi sinh các hệ thống này quy định rất chặt chẽ việc tạo tài khoản sử dụng đối với trẻ em dưới 13 tuổi.

Ở Việt Nam, nhiều cha mẹ lẫn thầy cô giáo yêu cầu hay cho phép con em mình khai báo nâng tuổi để tạo các tài khoản riêng và tự do sử dụng khiến cho trẻ dễ đối diện nguy cơ cái xấu ảnh hưởng. Vì vậy, muốn nói đến an toàn về công nghệ, điều trước tiên cần làm là cần tuân thủ tối đa các quy định luật pháp hiện hành về công nghệ, như Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng…

Ở khía cạnh hệ thống, cách tốt nhất để bảo đảm an toàn là xây dựng hệ thống quản lý dạy học trực tuyến (LMS) để tích hợp mọi công cụ và sử dụng thường xuyên suốt quá trình GD-ĐT. Khi đó, mỗi cá nhân sử dụng tài khoản đều sẽ có trách nhiệm tự giữ gìn không gian riêng của mình trên hệ thống và mọi dấu vết hoạt động đều có thể truy tìm dễ dàng.

– Việc học online với học sinh thực tế vẫn có nhiều nguy cơ khi thiếu sự quan tâm, giám sát từ cha mẹ. Ông đánh giá thế nào về vai trò hỗ trợ của phụ huynh với học sinh?

– Sự quan tâm giám sát và hỗ trợ của cha mẹ luôn cần thiết. Nhưng họ không thể thay thế vai trò của nhà trường. Ví dụ, có những cha mẹ không muốn cho con mình tạo tài khoản email của Google khi chưa đủ 13 tuổi, nhưng đành bất lực khi thầy cô giáo yêu cầu học trò khai báo nâng tuổi tự tạo tài khoản để thầy cô giao bài và hướng dẫn học các nội dung cần dùng đến dịch vụ của Google.

Việc máy móc bê nguyên lớp học tập trung lên lớp học ảo trực tuyến dẫn đến tình trạng nhiều cha mẹ không thể ngồi thường trực để giám sát con em suốt các buổi học. Hệ quả là, nhiều học sinh chưa đủ khả năng tự kiểm soát trong không gian mạng sẽ có rủi ro “đi lạc” vào các khu vực nguy hiểm hay không phù hợp với lứa tuổi.

Tình trạng này chỉ có thể khắc phục khi nhà trường, giáo viên thực sự thay đổi tư duy về dạy học trực tuyến, để biết chuyển đổi đúng phương pháp và lựa chọn đúng công cụ triển khai.

Học sinh tiểu học học trên nền tảng ứng dụng zoom tại nhà. Ảnh minh họa

Chuyển đổi đúng phương pháp, lựa chọn đúng công cụ triển khai

– Các nền tảng học online phần nhiều được dùng miễn phí như Zoom, Google Meet, chỉ số ít trường có điều kiện mua phần mềm có bản quyền. Việc thiếu các yếu tố bảo mật từ đơn vị cung cấp là nguy cơ mang đến sự thiếu an toàn cho học sinh, giáo viên?

– Về cơ bản, các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ đều phải tuân thủ quy định luật pháp hiện hành của quốc gia nơi họ có trụ sở chính cũng như quốc gia nơi họ hoạt động. Nhiều nhà cung cấp có chính sách ưu đãi riêng cho lĩnh vực giáo dục.

Các cơ sở giáo dục hay cá nhân nhà giáo dục muốn sử dụng một dịch vụ công nghệ nào đó, cần phải hiểu rõ chính sách hỗ trợ của họ cũng như các quy định luật pháp liên quan để ra quyết định lựa chọn cho phù hợp. Mọi vấn đề về an toàn, bảo mật… nếu có nảy sinh thì dựa vào luật pháp mà xử lý.

– Ngoài yếu tố an toàn cho học sinh trước các cám dỗ, nguy cơ xấu đến từ không gian mạng, theo ông tổ chức một lớp học trực tuyến hiệu quả cho học sinh, giáo viên cần những yếu tố nào?

– Với giáo viên, điều cần thiết nhất là thay đổi cách tiếp cận về phương pháp. Họ cần hiểu rằng, giảng bài trực tiếp không phải là cách dạy học duy nhất, lại càng không phải là phương pháp thích hợp trong dạy học trực tuyến. Khi đó, cùng với ràng buộc “điểm danh” được gỡ bỏ, họ sẽ có nhiều sáng kiến để đa dạng hóa các cách thức cung cấp tài nguyên học liệu cho người học bằng phương tiện khác nhau thay vì khư khư giữ vai trò giảng giải truyền thụ kiến thức một chiều.

Một khi giáo viên biết cách tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp, với các công cụ thích hợp, bảo đảm khả năng tiếp cận rộng rãi đối với mọi người học, sự hợp tác của gia đình sẽ diễn ra tự nhiên. Người học ban đầu có thể chưa quen, bỡ ngỡ, nhưng chắc chắn họ sẽ thích ứng rất nhanh, khi thực sự được thầy cô đặt vào trung tâm quá trình học tập.

Tuy nhiên, trong dạy học trực tuyến, một điều rất trớ trêu là không ít giáo viên không muốn thay đổi phương pháp, chỉ thích truyền thụ kiến thức một chiều mà lại đòi hỏi người học phải chủ động học tập. Chừng nào giáo viên còn nghĩ rằng nếu mình không trực tiếp giảng giải thì học trò sẽ không thể hiểu bài, chừng đó không nên mong đợi các em sẽ chủ động học tập, dù là trực diện hay trực tuyến.

Ngược lại, hiện có không ít giáo viên biết cách chuyển đổi, sẵn sàng tổ chức nhiều hoạt động không đồng bộ, cho phép người học linh hoạt nhịp điệu học tập tuỳ theo điều kiện thời gian và phương tiện kỹ thuật của mình. Thế nhưng, trớ trêu không kém là họ bị nhà quản lý bắt buộc phải dạy trực tuyến theo lịch cố định đúng ngày đúng giờ như trên lớp học truyền thống. Bởi với họ, điểm danh các buổi học đồng bộ là minh chứng duy nhất cho thấy giáo viên có dạy, học trò có học. Và hệ quả là nảy sinh bao nhiêu vấn đề về hiệu quả giáo dục, máy móc thiết bị, đường truyền cũng như sự mệt mỏi của thầy, trò và phụ huynh.

Nguồn : Báo giáo dục và thời đại

Danh mục sản phẩm

Hỗ trợ trực tuyến toàn quốc

TP.HCM

0975 580 386

HÀ NỘI

0396.323.531

ĐÀ NẴNG

0975 58 0386

Video

Top 5 máy chiếu Vivitek xem Euro 2024

EURO 2024 là bữa tiệc bóng đá được mong đợi nhất ở mùa hè này, với các trận ...

Công ty AIKYO tặng màn hình cho Trường phổ...

Công ty AIKYO tặng màn hình cho Trường phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP Hồ Chí Minh ...

AIKYO VIệt Nam thăm, tặng quà tại tỉnh Điện...

AIKYO VIệt Nam thăm, tặng quà tại tỉnh Điện Biên Nhân dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn năm ...

LTG trình bày tham luận Chuyển đổi số tại...

LTG trình bày tham luận Chuyển đổi số tại Trường ĐH An ninh Nhân dân Sáng 18-1-2024, tại ...

0975 580 386