Từ năm học 2021 – 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ chính thức đưa bộ môn golf vào giảng dạy cũng như những môn thể thao khác, nhằm giáo dục thể chất để sinh viên lựa chọn. Đây là trường công lập đầu tiên đã đưa bộ môn golf vào giảng dạy.
Ngay lập tức, có nhiều ý kiến cho rằng, quá xa vời vì sinh viên không có đủ tiền. Đa số sinh viên Việt Nam nghèo, lấy tiền đâu mua gậy, học xong ra trường lương ba đồng ba cọc, làm sao có khả năng đi đánh golf?
Cũng có ý kiến ngược lại, giáo dục thể chất là toàn diện, đưa được nhiều môn thể thao vào dạy trong trường đại học là tốt. Tuy nhiên không bắt buộc, mỗi người có năng khiếu riêng, sẽ chọn môn thể thao mà mình yêu thích. Có sinh viên thích bóng đá, có sinh viên thích bơi lội và chắc chắn cũng có người thích đánh golf.
Những sinh viên có sở thích có thể tham gia môn golf, nhưng nhà trường hỗ trợ, chi phí học tín chỉ môn này cũng giống như các môn bóng đá, bóng chuyền, bóng ném… để tất cả sinh viên có thể tham gia, không phân biệt “giới quý tộc” trong trường đại học.
Biết đâu, trong những sinh viên theo học môn golf, có thể phát hiện ra những hạt nhân năng khiếu, có thể đầu tư đào tạo, thành vận động viên quốc gia.
Có thể có nhiều em học xong, nhưng ra trường không tiếp tục chơi golf được, cũng như nhiều em học xong môn võ ở trường đại học, nhưng sau đó không theo đuổi nữa là chuyện bình thường.
Cho nên, vấn đề không phải là môn thể thao nào, mà nhà trường tổ chức đào tạo như thế nào.
Với môn golf, nhà trường thu học phí phù hợp, tương đương với các môn thể thao khác để sinh viên theo học được. Nhà trường vận động các nhà tài trợ cung cấp gậy, sân tập để sinh viên có điều kiện luyện tập.
Trong hàng nghìn lượt sinh viên theo học môn golf, phát hiện và đào tạo được nhân tố tài năng để thành vận động viên giỏi, thì đó cũng là thành công. Và với cách này, con nhà nghèo, nhưng có tố chất, có năng khiếu sẽ có cơ hội để tiếp cận với môn thể thao này. Có nhiều tài năng thuộc nhiều lĩnh vực, nhưng không phát triển được vì không có điều kiện được học hành, được đào tạo và sự hỗ trợ từ xã hội.
Đại học Quốc gia Hà Nội mở môn học golf là rất đáng ủng hộ, nhưng phải làm sao để sinh viên theo học nổi, còn bày ra để làm sân khấu cho “cậu ấm cô chiêu” múa may làm dáng thì hỏng.