Xác định ngành đào tạo trọng điểm

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế có quan điểm, mục tiêu với 10 tiêu chí để nhận diện nhân lực trình độ quốc tế và 9 giải pháp có tính toàn diện. Cụ thể, 8 ngành được xác định đào tạo nhân lực quốc tế gồm: Công nghệ thông tin – truyền thông; cơ khí – tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính – ngân hàng; y tế; du lịch và quản lý đô thị. Đi cùng với đó là các tiêu chí như: đáp ứng nhu cầu việc làm sau khi ra trường, thích nghi điều kiện công việc, kỹ năng mềm, ngoại ngữ, năng suất lao động cao…

TP HCM chú trọng đào tạo HS giỏi để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP. Trong ảnh: Lễ tuyên dương HS giỏi tại TP HCM

Mục tiêu của đề án đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đưa ra: khuyến khích trẻ em học tiếng Anh từ mầm non, 100% trường phổ thông được dạy và học theo mô hình STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), toàn bộ trường phổ thông có hoạt động trao đổi giáo viên (GV), học sinh (HS) với các trường phổ thông trong khu vực và quốc tế, 100% chương trình đào tạo của các ngành trọng điểm được kiểm định bởi tổ chức quốc tế…

Ngành GD-ĐT TP đã có những bước chuẩn bị quan trọng cho hai đề án giáo dục

Đối với đề án “Giáo dục thông minh”, đây là tiền đề quan trọng để giáo dục TP tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hình thức tổ chức hoạt động dạy và học trong nhà trường, mà bước đầu là mô hình thí điểm “Trung tâm điều hành giáo dục thông minh” và đề án mô hình trường học thông minh đang được gấp rút triển khai. Ngành GD-ĐT TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện giáo dục STEM, STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, toán học) trong nhà trường, tạo điều kiện để HS tham gia nghiên cứu khoa học; tiếp tục mở rộng thí điểm đưa nội dung trí tuệ nhân tạo đến với HS các trường phổ thông; đẩy mạnh hoạt động dạy học trực tuyến để hình thành kho tài nguyên học liệu số… Để thực hiện điều này, bậc giáo dục phổ thông của TP sẽ tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho HS.

Đã có những bước chuẩn bị quan trọng

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cũng cho rằng trước tác động sâu rộng của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của TP HCM đang rất lớn.

Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), một trong những trường thí điểm mô hình giáo dục thông minh

Từ thực tế của GD-ĐT tại TP HCM, theo ông Lê Hồng Sơn, thời gian qua, TP đã xây dựng một số nhóm giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế. Cụ thể là xây dựng nguồn nhân lực trình độ quốc tế từ giáo dục phổ thông, trong đó đã sớm đưa mục tiêu hội nhập vào các cấp học phổ thông. Đưa các chuẩn quốc tế về tiếng Anh, tin học, chương trình phổ thông vào nhà trường. Nội dung giáo dục kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự học… cũng được đưa vào nhà trường ngày càng nhiều hơn. Ngoài ra còn có giao lưu, trao đổi các đoàn GV, HS quốc tế để giúp HS TP thêm hiểu biết về văn hóa các nước, tự tin và có thêm những kỹ năng giao tiếp với bạn bè thế giới.

Hiện nay, Sở GD-ĐT TP HCM đã cho tiến hành thí điểm giáo dục thông minh tại 5 trường THPT là Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Nguyễn Hiền, chuyên Lê Hồng Phong và chuyên Trần Đại Nghĩa….

Đặng Trinh