“Nỏ thần” AI định hình lại giáo dục đại học Việt Nam
GDVN- “ATM giáo dục” và AI Chatbot đã biến điều ước “ai cũng được học hành” trở thành “ai cũng được học với thầy giỏi nhất”.
Người Việt ai cũng từng nghe chuyện “nỏ thần” của An Dương Vương, khi bắn, sẽ có hàng nghìn mũi tên bay ra, hay Tôn Ngộ Không có phép “phân thân” tạo ra nhiều Tôn Ngộ Không….
Hai câu chuyện trên tưởng như chỉ có trong truyền thuyết, nhưng chính nó lại là ý tưởng để các nhà khoa học sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp giảng viên “phân thân” tạo ra nhiều giảng viên ảo hỗ trợ sinh viên
Khi đã làm chủ AI, thì bề dầy truyền thống trăm năm cùng đội ngũ đông đảo giáo sư, tiến sĩ danh tiếng của đại học truyền thống sẽ không còn là ưu thế.
Chiến thắng sẽ thuộc về những ai chấp nhận từ bỏ cái cũ, biết sử dụng AI làm chiếc “nỏ thần” trong giáo dục, để thay đổi thứ hạng đưa giáo dục đại học Việt Nam nhanh chóng hội nhập với giáo dục toàn cầu
Để giúp quý bạn đọc dễ hình dung và theo dõi, trong khuôn khổ bài này tác giả sẽ trình bày ngắn gọn việc sử dụng AI làm chiếc “nỏ thần” định hình lại toàn bộ giáo dục đại học Việt Nam.
1. Áp dụng công nghệ AI chatbot tạo giảng viên ảo tham gia hỗ trợ sinh viên
Như bài [3] đã giới thiệu, nhờ AI Chatbot một giảng viên thật khi dạy online cũng đồng thời “phân thân” tạo ra N giảng viên ảo thay thế giảng viên thật để tương tác giao tiếp, giải đáp thắc mắc, trả lời câu hỏi cho N sinh viên.
AI tích hợp trong Chatbot giúp giảng viên ảo dần dần trở thành người khổng lồ chứa đựng nhiều tri thức của cả nhân loại, có thể thay thế giáo sư trong chương trình truyền hình “hỏi gì đáp nấy”, làm việc không biết mệt mỏi, không kể ngày đêm nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của sinh viên. Giảng viên ảo theo thời gian làm trợ giảng sẽ ngày càng thông minh lên.
Nhờ giảng viên ảo, sinh viên có thể dễ dàng tìm ra câu trả lời nhanh hơn bất cứ giáo sư nào và lúc này tri thức cơ bản không phải là những sự kiện biệt lập cần phải ghi nhớ.
AI chatbot thu thập thông tin sinh viên thông qua các phần mềm Skype, YouTube, Zalo, Facebook, Messenger… trang web cá nhân, dịch vụ nhắn tin tức thời, Skype, YouTube… từ đó phân tích số liệu để biết sở thích, thói quen và phương pháp học của từng sinh viên.
Qua đó, giảng viên ảo có cơ sở để điều chỉnh nội dung trao đổi hướng dẫn bài dạy và giao bài tập online phù hợp cho từng sinh viên.
Khi “nhúng” AI vào các website dạy học, sẽ thu thập, phân tích các “thói quen, hành vi” của sinh viên trong quá trình học tập để đưa ra những “gợi ý”, “tư vấn” cho sinh viên lựa chọn một phương pháp học tập hay một khoá học phù hợp.
Nhờ những tính năng trên, AI Chatbot sẽ định hình lại toàn bộ giáo dục đại học.
(Ảnh minh họa: TTXVN)
2. AI Chatbot định hình lại phương pháp dạy học theo hướng cá nhân hóa người học
Trước đây, khi bước vào thời đại công nghiệp, trường học cũng tổ chức theo cách thức của nhà máy sản xuất: tập trung một nơi, dạy theo một chương trình, cùng một phương pháp và sản phẩm là các sinh viên (chỉ số IQ khác nhau) đều có kiến thức cơ bản chuyên ngành như nhau
Nhờ sự trợ giúp của công nghệ AI và giảng viên ảo, phương pháp giảng dạy bậc đại học sẽ thay đổi hoàn toàn.
Lý luận và phương pháp giảng dạy mới không xây dựng trên nền tảng lý luận dạy học hàn lâm cũ mà dựa trên tốc độ phát triển công nghệ AI theo hướng cá nhân hóa đến từng sinh viên.
Lý luận & phương pháp giảng dạy dựa trên AIChatbot đang được khai phá và còn tiếp tục hoàn thiện theo nguyên tắc “công nghệ nào, phương pháp đó”. Trong khuôn khổ bài báo, chỉ giới thiệu phương pháp mới đơn giản dễ hiểu.
Ví dụ dạy học Toán cao cấp ở các trường đại học kỹ thuật. Theo phương pháp dạy học truyền thống, sinh viên học theo lịch mỗi tuần học 2 buổi. Bốn tháng sau nghe giảng, sinh viên mới đủ kiến thức để làm thi cuối kỳ.
Theo lịch học online một tiết nghe giảng lý thuyết, sinh viên chưa đủ kiến thức để làm bài tập cuối chương. Tuy nhiên sinh viên có thể tự học, chủ động nghe các video clip những bài sau.
Những chỗ chưa hiểu, sinh viên sẽ đặt câu hỏi đề nghị giải đáp. Lúc này giảng viên ảo sẽ xử lý dữ liệu từ hàng nghìn thông tin trong Big data để đưa ra câu trả lời tối ưu nhất thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của sinh viên.
Do luôn có giảng viên ảo hỗ trợ bất cứ lúc nào, sinh viên có thể hoàn thành môn Toán cao cấp trong vòng một tháng, thay vì phải đợi 4 tháng như dạy học truyền thống.
Chính lúc xử lý dữ liệu đó, giảng viên ảo được nhập tâm kiến thức mới, nên nó ngày càng trở nên thông minh trong việc đưa ra cách giải quyết vấn đề.
3. AI Chatbot định hình lại số lượng giảng viên trong trường đại học
Thông thường, một giảng viên dạy lý thuyết kèm theo một giảng viên trợ giảng chữa bài tập hoặc hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho sinh viên.
Cùng một môn học, nhiều lớp học khác nhau sẽ có nhiều giảng viên khác nhau. Khi có giảng viên ảo thay thế và bài giảng được số hóa, thì không cần giảng viên trợ giảng. Các sinh viên ở các lớp học khác nhau được nghe một giảng viên gỏi nhất giảng online.
Một nghìn sinh viên có thể nghe một giảng viên giảng online sẽ tương ứng có một nghìn giảng viên ảo hỗ trợ sinh viên.
Nhờ giao diện nhắn tin đến các bot chủ động để bắt đầu và duy trì hội thoại nên giảng viên ảo có thể hỗ trợ sinh viên bất kể thời gian và địa điểm.
Do đó cơ sở đào tạo không cần một khoản tiền lớn để trả lương cho nhiều giảng viên như trước.
Khi mô hình giảng viên ảo trên nền AIchatbot trở nên ứng dụng phổ biến, nó sẽ tác động mạnh đến toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam.
Hãy tưởng tượng đưa bài giảng Toán cao cấp online của một giảng viên dạy hay nhất cả nước cho tất cả các sinh viên khối kỹ thuật cùng được nghe.
Có bao nhiêu sinh viên nghe một giảng viên dạy sẽ có bấy nhiêu giảng viên ảo tương ứng luôn đồng hành với từng sinh viên để sẵn sàng lắng nghe trả lời câu hỏi của sinh viên.
Khi giảng viên ảo ngày một thông minh thì sẽ không cần nhiều giảng viên như hiện nay và hệ thống đào tạo đại học sẽ phải thay đổi hoàn toàn.
4. AI Chatbot và công nghệ ATM giáo dục để bình đẳng hướng thụ giáo dục
Cùng học một ngành như nhau, nhưng sinh viên kém thường chỉ đỗ vào trường đại học top dưới, học bởi những giảng viên bình thường, còn sinh viên giỏi thường được học ở trường đại học top trên với những giảng viên giỏi.
Mô hình giáo dục trên đã tồn tại hơn 50 năm, được xem là lý tưởng, là công bằng, nhưng bản chất bên trong là nghịch lý không phù hợp với xã hội tri thức.
Sinh viên giỏi được học với giảng viên giỏi lại càng giỏi, ra trường dễ tìm được việc làm lương cao.
Sinh viên kém phải học với giảng viên kém lại càng kém, khi ra trường thất nghiệp, vì năng lực không đáp ứng công việc thực tiễn.
Câu hỏi đặt ra: làm thế nào để sinh viên bình thường cũng được học với thầy giỏi nhất? Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có lời giải tường minh.
Khi chưa Covid, các trường đại học top trên rất khó mở rộng “cánh cửa” đón sinh viên ở đại học top dưới đến nghe đội ngũ giảng viên giỏi của trường giảng dạy trực tiếp (Offline).
Covid ập đến, mọi thứ đã thay đổi, xuất hiện công nghệ “ATM gạo” miễn phí cho người nghèo, thì đồng thời trong giáo dục cũng xuất hiện công nghệ “ATM giáo dục”.
Chỉ khác là để duy trì “ATM gạo”, các mạnh thường quân phải mất tiền mua gạo để phân phát cho người nghèo, còn để duy trì “ATM giáo dục” chỉ cần gửi đường link và mật khẩu là các sinh viên ở các trường đại học top dưới được học online với các giảng viên giỏi nhất.
Có bao nhiêu sinh viên học sẽ có bấy nhiêu giảng viên ảo hỗ trợ. Trong mùa dịch Covid,các trường đại học top dưới hoàn toàn có thể không mất kinh phi chi trả cho giảng viên ảo dạy sinh viên trường mình.
Như vậy “ATM giáo dục” và AI Chatbot đã biến điều ước “ai cũng được học hành” trở thành “ai cũng được học với thầy giỏi nhất”.
Một công nghệ rất nhân văn trong xã hội tri thức. Khi hết dịch Covid, các đại học top dưới vẫn có thể để sinh viên trường mình học ở đại học top trên và kinh phí chỉ trả cũng rất rẻ so với chi trả lương cho giảng viên cơ hữu.
5. Công nghệ AI Chatbot định hình quy mô xây dựng cơ sở vật chất đại học
Peter Drucker [3], nhà tư tưởng, nhà quản lý được kính trọng nhất của thế kỷ XX, năm 2000 đã nhận định: “Ba mươi năm nữa, các khuôn viên đại học sẽ chỉ còn là di tích. Chúng ta phải bắt đầu giảng bài cho các lớp học ở bên ngoài các trường đại học, qua vệ tinh và video hai chiều, với chi phí thấp nhất.”.
Những nhận định trên cho thấy, các trường đại học trên thế giới và Việt Nam đang định hình sai về quy mô xây dựng đại học.
AI là nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, đang trở thành một xu thế tất yếu trên phạm vi toàn thế giới. Chuyển đổi số tất yếu hình thành đại học số, là mục tiêu của các trường đại học hàng đầu Việt Nam đang tiến đến.
Thay vì tư duy tập trung mở rộng khuôn viên đại học, xây dựng nhiều giảng đường nguy nga hiện đại đắt tiền,… thì đại học số tập trung xây dựng hạ tầng viễn thông, hướng đến: biến đại học thành một “Quốc gia số”.
Đại học truyền thống dù xây dựng hiện đại đến đâu thì giảng viên chỉ có thể đứng yên trên bục giảng hữu hình để thao giảng trực tiếp cho sinh viên ngồi trong giảng đường nghe. Nhưng đại học số có thể vươn đến mọi quốc gia trên thế giới.
Công nghệ “ATM giáo dục” kết hợp AI Chatbot, giúp Đại học số có thể thu hút các sinh viên nước ngoài đến học. Giảng viên của đại học số có thể giảng cho hàng triệu sinh viên trên thế giới.
Kết luận
Lịch sử nhân loại đã chứng kiến: cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918) và Đại chiến thế giới thứ hai (1939-1945). Sau mỗi cuộc Đại chiến thế giới để lại những thiệt hại tàn khốc và quá trình phân chia trật tự thế giới mới.
Mức tàn phá của Covid cũng được xếp tương đương với sức tàn phá của Đại chiến thế giới. Và tương tự như cuộc Đại chiến thế giới, sau đại dịch Covid kết thúc nhân loại sẽ tồn tại theo một trật tự mới.
Vì vậy, chúng ta không chỉ tập trung tìm giải pháp để nhanh chóng vượt qua đại dịch, mà còn phải suy đoán giáo dục đại học sẽ thế nào khi đại dịch qua đi.
Phải khẳng định nhất quán rằng: cũng như 2 cuộc đại chiến thế giới, đại dịch Covid sẽ qua đi, Việt Nam sẽ trường tồn ở một tầm cao mới với một hệ thống vĩ mô hoàn toàn khác.
Giáo dục đại học Việt Nam chắc chắn sẽ thay đổi sau đại dịch Covid. Công nghệ AI Chatbot trình bày ở trên mới được nghiên cứu và thử nghiệm trong phạm vi hai năm ở một trường đại học. Để phổ biến rộng rãi rất cần đến tư duy đổi mới của hệ thống quản lý.
Phó giáo sư – Tiến sĩ Ngô Tứ Thành
Danh mục sản phẩm
Hỗ trợ trực tuyến toàn quốc
Video
EURO 2024 là bữa tiệc bóng đá được mong đợi nhất ở mùa hè này, với các trận ...
Công ty AIKYO tặng màn hình cho Trường phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP Hồ Chí Minh ...
AIKYO VIệt Nam thăm, tặng quà tại tỉnh Điện Biên Nhân dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn năm ...
LTG trình bày tham luận Chuyển đổi số tại Trường ĐH An ninh Nhân dân Sáng 18-1-2024, tại ...