Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), với bậc phổ thông, việc dạy học chính thức tại trường mang tính bắt buộc nên cơ sở pháp lý quy định cụ thể việc áp dụng dạy từ xa, dạy trực tuyến thay thế dạy trực tiếp ở trường chưa có.

Xây dựng kế hoạch cụ thể

Tuy nhiên, ông Thành cho biết ở khía cạnh chuyên môn, những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT đủ để các trường có thể vận dụng triển khai việc dạy từ xa trong bối cảnh hiện nay.

Theo đó, muốn được công nhận việc dạy học từ xa, các trường phải chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục cụ thể. Trong đó có kế hoạch dạy học bằng ứng dụng công nghệ thông tin (dạy online, giao nhiệm vụ học tập từ xa), phân công nhiệm vụ cụ thể để bảo đảm quản lý, giám sát học sinh (HS) thực hiện nhiệm vụ học tập, có kế hoạch kiểm tra, đánh giá HS khi trở lại trường. Căn cứ vào nội dung dạy học trong giai đoạn nghỉ phòng dịch, các trường phải dự kiến kế hoạch dạy bù để bổ sung phần còn thiếu hụt cho HS khi các em trở lại trường.

Việc đánh giá, công nhận kết quả học qua internet, qua truyền hình cũng như học thông thường. Những bài đã được thầy cô giảng, giáo viên giao làm, khi trở lại trường, HS phải trình bày lại kiến thức đó.

Công nhận kết quả dạy học trực tuyến - Ảnh 1.

Giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP HCM) soạn giáo án để dạy trực tuyến Ảnh: NGUYỄN THUẬN

Căn cứ kết quả HS trình bày, giáo viên có thể thay cho các bài kiểm tra thông thường hoặc giao bài kiểm tra về các kiến thức HS đã học. Đó cũng là cách kiểm tra, đánh giá hiệu quả học qua truyền hình hay internet. Nhưng việc kiểm tra đánh giá chính thức phải được thực hiện khi HS trở lại trường.

Cũng theo ông Thành, nếu HS vẫn tiếp tục nghỉ nhiều hơn dự tính thì sẽ tính toán tinh giản nội dung dạy học. Phần nào được học qua internet, truyền hình thì tính toán để hoàn thành nốt phần kiến thức còn lại. Trường hợp HS nghỉ dài hơn dự tính thì Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh tiếp, để HS khi trở lại trường còn đủ thời gian xây dựng kế hoạch bảo đảm kiến thức cho HS.

Nhằm hỗ trợ nguồn học liệu cho các địa phương tổ chức, tăng cường việc dạy học qua internet trong thời gian HS nghỉ học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã hỗ trợ miễn phí nội dung học liệu thông qua trang web https://olm.vn, dạy và học trực tuyến cho HS từ mẫu giáo đến lớp 12.

PGS-TS Phạm Thọ Hoàn, Giám đốc Trung tâm Khoa học tính toán của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết kho học liệu về giáo dục số của Trung tâm Khoa học tính toán hoạt động từ năm 2011. Đến nay, kho học liệu bao phủ nội dung môn toán, môn tiếng Việt – ngữ văn ở bậc phổ thông, đang tiếp tục mở rộng ra các môn khác. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống học liệu đã thu hút gần 3 triệu thành viên, với 500 video bài giảng và 10.000 bài tập tương tác. Tất cả HS ở mọi cấp học, giáo viên, nhà trường và cả phụ huynh đều có thể sử dụng dễ dàng kho học liệu này. HS có thể tự học ở nhà thông qua việc tương tác với nội dung, với thầy cô, bạn bè trên trang web. Giáo viên cũng có thể sử dụng các chức năng quản lý trường, lớp, giao bài, thống kê, báo cáo… Ngoài nội dung các môn toán, tiếng Việt – ngữ văn, tiếng Anh sẵn có, các thầy cô có thể tự tạo học liệu của mình hay học liệu cho các môn học khác, sau đó giao bài cho HS.

Thiếu sự quan tâm đồng bộ

Về các tiêu chí để đánh giá HS khi quay lại trường, ông Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP HCM), cho rằng phải biết HS tham gia học hay không để tránh trường hợp tham gia nhưng không nộp được bài đánh giá. Nên dùng 2 kênh để kiểm tra là chuyên cần và làm bài tập. Hoặc giáo viên đưa một chủ đề cho HS thảo luận trực tuyến và đưa ý kiến thảo luận dưới dạng bình luận. Đối với số HS không có điều kiện thì phải lọc ra để có cách đưa bài tập phù hợp, ví dụ gửi bài trực tiếp đến nhà… Nhưng trước tiên chỉ có thể lấy điểm 15 phút, điểm hệ số 1, những điểm hệ số 2 chưa thể lấy.

“Một số phụ huynh khi con nộp bài trễ vì nhiều lý do thì họ cũng phản đối, vì nếu lấy bài đó làm điểm chính thức thì không công bằng. Chỉ lấy điểm để xem mức kiến thức của HS đến đâu trong thời gian học qua internet. Nhưng hiện nay, trường vẫn đang chờ hướng dẫn chi tiết từ Sở GD-ĐT” – ông Khánh lưu ý.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), nói để thừa nhận kết quả học trực tuyến sau khi HS đi học lại thì phải xem số lượng HS tham gia học trực tuyến là bao nhiêu. Nếu thừa nhận thì các HS không tham gia sẽ thiệt thòi, vì có thể thầy cô tiếp tục chương trình ngay khi quay trở lại trường. Đây là khó khăn nhất định đối với những HS thiếu cơ sở vật chất để học trực tuyến và những HS không được quản lý, những HS không có tính tự giác sẽ gặp một lỗ hổng rất lớn trong việc thừa nhận kết quả này.

Chương trình dạy trực tuyến, dạy truyền hình chủ yếu triển khai ở lớp 9 và lớp 12, còn một bộ phận khá lớn HS từ lớp 1 đến lớp 8, lớp 10, lớp 11 là thiếu sự quan tâm một cách đồng bộ. Những vùng hải đảo, miền núi thì việc học cũng rất khó khăn do đường truyền chập chờn, dung lượng để tải một lần cho cả nước để tham khảo theo dõi sẽ rất khó. Không phải nhà nào, vùng nào cũng có internet và có tivi, đặc biệt HS ở vùng còn khó khăn, chương trình chỉ đến với một bộ phận HS ở những thành phố lớn, những người có điều kiện.

“Chúng ta không thể phủ nhận ý thức học tập tự giác của các em HS là chưa cao trong khi phụ huynh phải đi làm nên việc quản lý bài vở của con rất khó. Đường truyền từ dụng cụ mà qua con người thì cảm xúc không được nhiều, độ thẩm thấu, mong muốn tương tác để hỏi cũng không cao, nên HS chỉ chấp nhận nghe kiến thức chứ chưa có sự tương tác. Những cái không hiểu, không biết cứ thế trôi qua luôn chứ không được giải đáp” – ông Phú nhận định.

Nguồn: Yến Anh – Nguyễn Thuận