Từ đầu tháng 2 khi Hà Nội cho học sinh dừng đến trường, chuyển sang học online một tuần trước nghỉ Tết, vợ chồng chị Lê Thị Thu Lan, ở quận Long Biên, đã chuẩn bị học online lâu dài với hai con trai lớp 7 và 11. “Đầu năm 2020 mình làm tạm thời, có gì dùng đó, năm nay phải bài bản hơn để con tiếp thu bài học tốt nhất”, chị khẳng định.
Với con trai lớp 7, chị Lan cho dùng laptop, đặt trên bàn gấp. Do phòng học của con có bàn đi kèm giá sách, sóng wifi yếu nên chị chuyển sang phòng của bố mẹ. Rút kinh nghiệm năm ngoái kích thước laptop khá to, con không đủ diện tích đặt sách, vở viết bài, chị Lan mua thêm chiếc bàn gấp đặt bên cạnh.
Năm ngoái, con trai út sử dụng laptop cũ của bố mẹ nhưng không có camera, chỉ nghe và nhìn được. Những ngày đầu tháng 2, chị phải gửi con sang nhà bác để học nhờ vài buổi. Ra Tết, vợ chồng chị Lan mua chiếc laptop mới để việc học online của con thuận lợi hơn.
Với con trai lớn đang học lớp 11, chị để con học qua phần mềm Zoom được tải về điện thoại. Chị Lan chia sẻ, con lớn học đỡ vất vả vì tính tự giác và chủ động cao hơn. Nếu thời gian học online kéo dài như năm ngoái, chị dự tính mua thêm sách ôn luyện hoặc đăng ký cho con học gia sư để không bị hổng kiến thức lớp 11, làm bước đệm vững chắc cho việc học chương trình lớp 12 năm sau.
Ngay ngày đầu tiên làm việc trở lại (mùng 6 Tết), hai con chị Lan đều học online theo thời khóa biểu chính khóa, buổi sáng 4-5 tiết, từ 7h15 đến 11h45, chiều 1-3 tiết. Chị dậy sớm hơn thường ngày khoảng một tiếng, chuẩn bị đồ ăn nhẹ, hoa quả và nấu sẵn những món chính của bữa trưa cho các con kịp giờ học chiều.
Vì không thể ở nhà cả ngày giám sát, chị “làm công tác tư tưởng” cho hai con, yêu cầu học nghiêm túc. Hàng ngày vào buổi tối, chị đọc hết trao đổi của giáo viên chủ nhiệm cùng phụ huynh trên nhóm chat chung, thi thoảng hỏi riêng thầy cô về thái độ học tập và khả năng tiếp thu của các con.
Người mẹ kể, thời điểm này năm ngoái, chị và nhiều phụ huynh rất lúng túng về việc học online. Giờ đọc tin nhắn trong nhóm chung, chị thấy số học sinh gặp trục trặc, không theo học được chỉ 2-3 em mỗi buổi. Ngoài ra, đa số phụ huynh cũng đã thoải mái, tương tác và phối hợp với giáo viên tốt hơn thay vì bày tỏ sự hoang mang về chất lượng cũng như phương pháp học online như trước.
“Dịch bệnh còn kéo dài, tôi nghĩ việc học online sẽ trở thành bình thường và có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên mình cần sẵn sàng, giúp con có điều kiện học tập tốt nhất có thể”, chị Lan nói.
Tại TP HCM, từ trước Tết Tân Sửu, anh Trần Đức Dũng, ở TP Thủ Đức, đã chuẩn bị tâm thế chuyển sang học online cho con gái học lớp 12 trường THPT Trần Văn Giàu trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Quà năm mới của vợ chồng anh cho con gái là chiếc laptop mới có cấu hình mạnh thay vì chiếc điện thoại như dự kiến để phục vụ việc học online.
Năm thứ hai liên tiếp phải học online, anh Dũng lo con bị “hổng” kiến thức trước kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng giữa năm nay. Bởi như quan sát của anh cũng như nghe chia sẻ từ con, hiệu quả học online không thể bằng học tập trung, đặc biệt với các môn thiên về thực hành, rèn luyện như Khoa học tự nhiên. Trong khi đó, kỳ thi cuối cấp thường có tỷ trọng đáng kể kiến thức ở lớp 11.
“Gia đình chỉ cố gắng động viên con hết sức, tạo điều kiện tâm lý và thể chất tốt nhất cho mỗi buổi học. Con đã lớn, tự lập trong việc học rồi nhưng tôi vẫn xin nghỉ phép thêm mấy ngày sau Tết để hỗ trợ khi cần”, anh Dũng nói.
Theo phụ huynh này, nếu kịch bản xấu nhất của Covid-19 như năm 2020 lặp lại, học sinh 12 phải trải qua phần lớn học kỳ II tại nhà, ngành giáo dục cần có thêm nhiều điều chỉnh mạnh mẽ hơn. Không chỉ tinh giảm chương trình, giảm tải kỳ thi tốt nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể cho kết thúc sớm một số môn học không nằm trong lựa chọn thi tốt nghiệp của học sinh.
“Chẳng hạn học sinh lựa chọn ban Khoa học tự nhiên có thể kết thúc sớm các môn Sử, Địa hoặc ngược lại. Điều này sẽ giúp các em nắm chắc các môn sở trường để phục vụ tốt cho việc học đại học”, anh Dũng đề xuất.
Tương tự, chị Lê Thị Bích Hà, 38 tuổi, ở TP Thủ Đức, cũng lên kế hoạch chi tiết cho việc học ở nhà của con gái lớn lớp 5 và con trai lớp 1. Người mẹ được phân công ở nhà chăm con nên xin nghỉ phép thêm một tuần, cùng với sự hỗ trợ từ ông bà ngoại. Chị Hà viết chi tiết kế hoạch giờ học online theo thời gian biểu cô giáo gửi. Thời gian học tập trung vào buổi sáng, buổi chiều chị cho các bé làm bài tập, nghỉ ngơi giải trí.
“Tầm này năm ngoái tôi phải đánh vật vì vừa trông bé út đang học lớp lá, vừa dạy bé lớn làm bài tập cô gửi. Mọi thứ cứ rối tung lên, nhưng năm nay thì đã có kinh nghiệm và chuẩn bị sẵn nên tôi cũng không mấy lo lắng”, chị Hà nói.
Học online với trẻ tiểu học có lợi thế là kiến thức sách vở không quá khó, cha mẹ chỉ cần cho con học tập nghiêm túc và kiểm tra đầy đủ, trao đổi thường xuyên với giáo viên thì vẫn đảm bảo chất lượng. “Hy vọng đợt dịch này mau qua, tới tháng 3 là các trường hoạt động trở lại. Nếu kéo dài triền miên như năm ngoái thì rất khó với phụ huynh”, người mẹ bày tỏ.
Đến 18/2, hơn 40 tỉnh, thành cho học sinh tiếp tục ở nhà sau Tết Tân Sửu, trong đó có Hà Nội và TP HCM. Các Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trường học phải lên phương án dạy online phù hợp, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học.
Việc học online cũng là chỉ đạo chung của toàn ngành giáo dục. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 ngày 4/2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo toàn ngành kích hoạt, mở rộng và nâng cao hiệu quả dạy trực tuyến, “làm chắc chắn và chất lượng hơn năm ngoái”. Nhiều trường phổ thông tại Hà Nội và các địa phương cũng lên phương án sẵn sàng dạy trực tuyến nếu nghỉ học kéo dài sau Tết Tân Sửu.
Thanh Hằng – Mạnh Tùng