Làm thế nào để con người có động lực học tập, khi mà có tới 50% số việc làm sẽ bị trí tuệ nhân tạo (AI) lấy mất trong tương lai? Vai trò của các trường đại học sẽ là gì?

Đó là những vấn đề chính được thảo luận tại hội nghị quốc tế “Khai sáng: Sáng tạo lại giáo dục trong thế giới số” diễn ra ở Madrid, Tây Ban Nha, hồi đầu tháng trước với sự tham dự của khoảng 1.000 nhà giáo dục đến từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Hãy quên đi sự cách biệt giữa các ngành
Juan Romo, Hiệu trưởng Đại học Carlos III ở Madrid nhấn mạnh, để đáp ứng các nhu cầu trong tương lai, sinh viên cần có các kỹ năng mềm và định hướng đạo đức vững chắc. Romo cho biết, ở trường đại học của ông, các môn nhân văn là nội dung đào tạo cốt lõi cho mọi sinh viên, kể cả kỹ sư, bởi tới đây, ai cũng cần hiểu tầm quan trọng, chẳng hạn như, của đạo đức. “Trường của chúng tôi xem dữ liệu như của cải”, Romo nói, “song quan trọng hơn là của cải đó đi về đâu?”
Rồi nữa, chúng ta sẽ phải nghĩ về giáo dục đại học giống như cách dược phẩm đang ngày càng trở nên cá nhân hóa, Romo lập luận. “Trí thông minh nhân tạo đồng nghĩa với việc mọi người sẽ có những trải nghiệm giáo dục sống động và hiệu quả hơn, và chúng ta sẽ cần những giảng viên ở trình độ cao hơn, đủ khả năng lập trình trí tuệ nhân tạo để mang lại thứ giáo dục đó.”
Romo cho biết, các trường đại học ở Madrid như Đại học Alcalá và Đại học Complutense đang bắt tay vào đào tạo giảng viên đáp ứng thách thức của kỷ nguyên số.
Cũng theo Romo, các trường đại học cần quên đi sự cách biệt giữa các ngành như luật hay kinh tế bởi ranh giới đó là vô nghĩa. Ông tin rằng giáo dục đại học cần có cách tiếp cận cấp tiến hơn. “Các môn học liên ngành là chưa đủ”, ông nói, “chúng ta thậm chí phải chống lại việc phân chia thành các ngành.”
Trong khi đó, Nunzio Quacquarelli – CEO của QS, và Jikyeong Kang – Viện trưởng Học viện Quản trị châu Á của Phillippines, thì nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo khả năng tự thích ứng. “Thế hệ trẻ ra đời từ giữa thập kỷ 1990 đến đầu những năm 2000 muốn những giải pháp nhanh chóng, dễ dàng, đôi khi là những giải pháp tạm thời, không giải quyết được vấn đề cơ bản,” Kang nói. “Chúng tôi hiện có một thế hệ sinh viên rất khác, khiến chúng tôi phải suy nghĩ lại một cách triệt để về các chương trình đào tạo đại học và MBA.”
Francisco Veloso, Hiệu trưởng Imperial College Business School in London, cho biết trường kinh doanh của ông có một “phòng giả lập” nơi sinh viên được “ném cho rất nhiều dữ liệu”. Bằng cách sử dụng các công cụ sẵn có trong phòng, họ phải phân tích dữ liệu đó để rồi trình bày theo nhóm. “Chúng tôi cần bảo đảm rằng sinh viên sẽ không bị tê liệt trong môi trường mới”, ông nói. “Sinh viên phải có một bộ công cụ để giải quyết các vấn đề phát sinh trong môi trường mới.”
Công nghệ số mang đến những trải nghiệm giáo dục sống động và hiệu quả hơn.
Ảnh: goodcall.com
Boehm, Hiệu trưởng trường kinh doanh IE tại Tây Ban Nha cho biết, trường của ông dạy khả năng thích ứng cho sinh viên bằng cách đưa họ ra khỏi “vùng an toàn” (comfort zone). “Tây Ban Nha có nền ẩm thực tuyệt vời”, ông nói, “và vì vậy chúng tôi dạy sinh viên cách nấu cơm thập cẩm paella. Nhiều sinh viên chưa nấu món này bao giờ và họ học được cách đứng lên sau thất bại để làm lại khi nấu hỏng món này.”
Đề cập việc các nhà tuyển dụng ngày nay muốn gì, Kang nói: “Chúng tôi phát hiện ra rằng các nhà tuyển dụng muốn sinh viên có kỹ năng giải quyết vấn đề. Họ cần có khả năng làm việc cả với các tập đoàn doanh nghiệp, chính phủ và giới hàn lâm.”
Đào tạo sinh viên “kháng robot”
Với viễn cảnh trí thông minh nhân tạo sẽ cướp mất đến một nửa số việc làm của nhân viên văn phòng, nhiệm vụ hàng đầu của các trường đại học là giúp sinh viên “kháng robot” (robot proof) bằng cách dạy cho họ những đặc tính người, và cung cấp cho họ cơ hội học tập qua trải nghiệm và học tập suốt đời. Đó là thông điệp của diễn giả chính Joseph Aoun – Giám đốc Đại học NorthEastern ở Boston, Mỹ, về giáo dục đại học trong thời đại của AI.
Aoun dẫn ra các nghiên cứu cho thấy có tới 50% số việc làm sẽ biến mất trong tương lai bởi AI và những việc làm này thuộc về cả lĩnh vực “cổ xanh” lẫn “cổ trắng” bởi “AI mù màu”. Ông cho biết, một số nghiên cứu khác nhận định con số này có thể là 30% hoặc 40% – nhưng bất kể con số cụ thể ra sao, tác động của AI vẫn rất lớn.
“Đúng là xuất hiện thêm nhiều việc làm mới, nhưng trong tương lai gần, chúng ta không biết chúng có bù lại nổi số việc làm bị mất đi không”, Aoun nói.
Trong bối cảnh đó, “chúng ta cần sinh viên phải trở nên kháng robot. Bước đầu tiên là để mọi người thành thục cái mà ông gọi là “đặc tính người” thể hiện ở ba yếu tố: thông thạo kỹ thuật để hiểu cách làm việc với công nghệ và robot; “đọc thông” dữ liệu để giúp diễn giải “biển dữ liệu” hiện đã sẵn có; và thấu hiểu con người – bao gồm nhận diện những gì con người có thể làm còn máy móc thì không như đổi mới sáng tạo, hiểu ngôn ngữ cơ thể, làm việc nhóm và “linh hoạt về toàn cầu tính và văn hóa tính”.
Bước thứ hai để nhận thức rằng chúng ta cần được học tập qua trải nghiệm. “Tại trường của chúng tôi, sinh viên dành 6 tháng cho việc luân chuyển,” Aoun kể. “Họ học cách làm việc trong các nhóm khác nhau, nhận diện cơ hội, gây dựng các mối liên kết và thích ứng với những người có nền tảng khác nhau”, ông nói.
“Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ lỗi thời”, Aoun lập luận. “Vì vậy chúng ta cần học tập suốt đời. Ở Mỹ, học tập suốt đời chưa được coi trọng đúng mức, song có tới 70% số người học thuộc diện này, thế nhưng các trường đại học lại đang bỏ qua họ. Họ không muốn theo các khóa tại trường đại học, họ học khi họ muốn, và tại ngay chính nơi họ ở.
“Các trường đại học phải khiêm tốn và ‘ngồi xuống’ với các nhà tuyển dụng cùng những sinh viên trưởng thành và tạo ra ‘những chứng chỉ đa dạng’. Đó không chỉ là nói về việc học trực tuyến, [việc đào tạo đại học] phải được đưa vào các doanh nghiệp”, Aoun nói. “Các trường đại học phải đặt cơ sở ở mọi nơi”, ông nói.
Trước câu hỏi “có những việc khó với chúng ta nhưng lại dễ với máy tính (như Google dịch) và ngược lại. Vậy cốt lõi của con người là gì?” – Aoun cho rằng “con người có tinh thần ‘lập nghiệp’, biết thông cảm, biết sáng tạo những cách làm mới và hiểu các vấn đề một cách thấu suốt – những việc máy móc không làm được”.
Ông bổ sung rằng, khi dùng từ “lập nghiệp”, người ta thường nghĩ tới việc lập một doanh nghiệp mới nhưng nó đơn giản chỉ là nhìn nhận sự việc theo một cách khác. “Bạn có thể là nhà đổi mới sáng tạo trong một công ty lớn; hãy vượt ra khỏi định nghĩa hẹp”, Aoun nói.
Vấn đề về tầm quan trọng của việc con người cần những tiếp xúc mang tính người cũng được nêu ra. “Từ lâu chúng ta đã có máy pha cà phê”, Giáo sư, nhà kinh tế học Luis Garicano nói, “nhưng mọi người muốn có sự giao tiếp bằng mắt khi mua một ly cà phê.”
“Trong phòng này, lúc này mọi người không nhìn chúng ta”, Aoun tiếp lời, “họ nhìn vào màn hình TV chiếu hình chúng ta. Một trường đại học có nghĩa lý gì khi mọi người đều làm như vậy?”
Con người tới trường đại học không chỉ để thâu nạp kiến thức, Aoun nói: “Trường đại học là để đưa mọi người đến với nhau, cùng nhau trải nghiệm sự giáo dục. Đó là còn chưa nói đến vai trò của giảng viên. Vì sao chúng ta ở đây? Bởi chúng ta cần trò chuyện với những người trong cùng mạng lưới; [cũng theo cách đó], sinh viên muốn được cọ xát với bạn học và hợp nhất trải nghiệm trên lớp với trải nghiệm trong thế giới thực”.
Aoun giải thích trường của ông đề cao phương pháp học tập qua trải nghiệm ra sao. “Các nhà tuyển dụng thích điều đó,” ông nói. “Trường chúng tôi có cầu vượt cung, bởi các nhà tuyển dụng yêu thích năng lượng sáng tạo mà sinh viên trường chúng tôi mang đến. Nhiều nhà tuyển dụng sau đó đã trao công việc cho họ,” Aoun kết luận.
Kỳ 2: Làm sao để các trường đại học không tuột dốc?
Thái Thanh (Theo universityworldnews.com)