Nhật bản cải cách giáo dục như thế nào?
Nền giáo dục Nhật Bản cận – hiện đại được bắt đầu từ thời Minh Trị (1868 – 1912). Ngay trong năm đầu tiên Minh Trị lên ngôi, một trong những chính sách được Thiên hoàng quan tâm hơn cả đó là cải cách giáo dục, coi giáo dục là yếu tố hàng đầu để phát triển Nhật Bản.
Triết lý giáo dục dân chủ
Nền giáo dục Nhật Bản trong 10 năm đầu thời Minh Trị đã du nhập mạnh mẽ các trào lưu tư tưởng cùng thành tựu khoa học kỹ thuật phương Tây nhằm đạt cho được mục tiêu “phú quốc cường binh”. Hoạt động giáo dục được mở rộng cho mọi tầng lớp nhân dân, kể cả phụ nữ. Minh Trị cử một số lượng lớn học sinh Nhật đi du học nước ngoài. Sắc lệnh về trường sư phạm 1886 và Sắc lệnh về giáo dục sư phạm (1890) khẳng định việc đào tạo giáo viên mang ý nghĩa sống còn đối với việc cải cách giáo dục.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, công cuộc cải cách giáo dục thời hậu chiến (1945-1950) được xúc tiến với sự hợp tác của ba lực lượng: các nhà giáo dục Nhật Bản, các viên chức phụ trách giáo dục và thành viên Sứ đoàn giáo dục đến từ Mỹ. Cuộc cải cách giáo dục này được tiến hành toàn diện từ hệ thống trường học, tài chính giáo dục, cơ cấu tổ chức bộ giáo dục, hệ thống hành chính giáo dục địa phương cho tới khóa trình giáo dục… Thay đổi lớn nhất và trước hết là thay đổi về triết lý giáo dục.
Triết lý của nền giáo dục mới, nền giáo dục mà sau này người Nhật quen gọi là giáo dục dân chủ, có mục tiêu giáo dục giờ đây không phải là đào tạo nên những “thần dân trung quân ái quốc” mà là người công dân có đủ tri thức, phẩm chất, năng lực phù hợp với xã hội hòa bình, dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Triết lý giáo dục này được ghi rõ trong các bộ luật về giáo dục được công bố trong năm 1947 như: Luật giáo dục cơ bản, Luật giáo dục trường học…
Chế độ sách giáo khoa kiểm định
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Bộ Giáo dục Nhật Bản chuyển từ chế độ “Sách giáo khoa quốc định” sang “chế độ sách giáo khoa kiểm định” hay còn gọi là cơ chế “một chương trình – nhiều sách giáo khoa” và công nhận quyền tự do trong thực tiễn giáo dục của giáo viên.
Để tạo bước đệm cho việc chuyển đổi, Bộ Giáo dục tiến hành biên soạn một số cuốn sách giáo khoa mới. Đây là khoảng thời gian xây dựng hành lang pháp lý và cũng là thời gian để cho các nhà xuất bản tư nhân chuẩn bị cho việc ra đời các cuốn sách giáo khoa của mình. Từ năm 1947, sách giáo khoa kiểm định được bắt đầu được đưa vào sử dụng song song cùng với sách do Bộ giáo dục biên soạn và sau đó thay thế toàn bộ.
Kì vọng vào các môn khoa học xã hội
Môn Nghiên cứu xã hội (Social Studies) – môn học tích hợp Lịch sử, Địa lý, Công dân, một môn học hoàn toàn mới có nguồn gốc từ Mỹ, được đưa vào cả ba cấp học phổ thông – trở thành nơi Bộ giáo dục và các nhà cải cách đặt nhiều kỳ vọng. Trong vai trò là môn học góp phần chủ yếu trong công cuộc tái khai sáng quốc dân, Nghiên cứu Xã hội đặt mục tiêu đào tạo nên những công dân có tư duy độc lập, có tinh thần phê phán.
Phương pháp giáo dục nhấn mạnh tính chủ thể của học sinh, coi trọng trải nghiệm trong cuộc sống, đặt trọng tâm vào học tập giải quyết các vấn đề thiết thực đối với các em. Trong “học tập giải quyết vấn đề” này, sự “nhồi nhét” tri thức, “truyền đạt tri thức” bị loại trừ.
Ở đó, học sinh không tiếp nhận thụ động, vô điều kiện các tri thức mà giáo viên đưa ra, coi nó là chân lý tuyệt đối mà học sinh dưới sự trợ giúp, hướng dẫn của giáo viên sẽ phải tìm kiếm các tri thức từ nhiều nguồn khác nhau và biến nó thành tư duy của mình. Có thể nói giáo dục môn Nghiên cứu Xã hội trong giai đoạn này đã chuyển từ “truyền đạt tri thức” sang hình thành và phát triển năng lực nhận thức khoa học cho học sinh.
Với quyết sách của Minh Trị và sự đồng thuận của toàn dân, những chính sách trên đây đã biến nước Nhật thành một xã hội học tập mạnh mẽ. Thành công của việc cải cách giáo dục đã góp phần tạo nên bước ngoặt thần kỳ của Nhật Bản thời Cận đại. Dù lịch sử có những thăng trầm và đổi thay, nhưng có một nền giáo dục vững chắc, tiên tiến đã giúp nước Nhật vượt qua mọi khó khăn trở thành một quốc gia thịnh vượng của thế giới.
Nguồn: Sưu tầm
Danh mục sản phẩm
Hỗ trợ trực tuyến toàn quốc
Video
Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, máy chiếu không chỉ là công cụ hỗ trợ giảng dạy ...
Công ty AIKYO tặng màn hình cho Trường phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP Hồ Chí Minh ...
AIKYO VIệt Nam thăm, tặng quà tại tỉnh Điện Biên Nhân dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn năm ...
LTG trình bày tham luận Chuyển đổi số tại Trường ĐH An ninh Nhân dân Sáng 18-1-2024, tại ...